WELCOME
      TO
    PHATDIEMHOUSE
NICE TO MEET YOU.
                              
Our group have 6 people. We live, work and study at Phat Diem Bishop's house
Welcome everybody - who was, is and will visit our blog.
Thank you so much.

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

THẾ NÀO LÀ CẦU NGUYỆN?



Cầu nguyện là lắng tai nghe tiếng Chúa nói với ta.
Cầu nguyện là tiếp nhận những gì Chúa muốn ban cho.
Cầu nguyện là đón nhận ơn tha thứ từ nơi Chúa.
Cầu nguyện là quy hướng về Chúa mọi việc ta làm.
Cầu nguyện là để Chúa chiếm ngự linh hồn mình. 
Cầu nguyện là tưởng nghĩ đến Chúa với tâm tình thân mật, thiết tha.
Cầu nguyện là tìm hiểu rằng ta được Chúa thương yêu, giữ gìn, coi sóc.
Cầu nguyện là liên lạc với Chúa như với người thân mến yêu thương.
Cầu nguyện là để mình chìm đắm trong Chúa; là biển cả yêu thương. 
Cầu nguyện là đi vào cõi thinh lặng.
Cầu nguyện là mến thương trò chuyện với Chúa.
Cầu nguyện chỉ là việc hiệp nhất với Thiên Chúa.
Cầu nguyện là tin rằng Thiên Chúa luôn luôn có lý.
Cầu nguyện là gỡ tấm màn để nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa. 
Cầu nguyện là sẵn sàng để Chúa có thể nói với ta những gì Người muốn nói.
Cầu nguyện là phó thác để Chúa có thể làm ở trong ta những gì Người muốn làm.
Cầu nguyện là tiến lại gần Chúa, để thấy rằng Chúa tuy xa song lại rất gần gũi.
Cầu nguyện là đi sâu vào tâm hồn Đấng mình gọi là Cha, mặc dù mình tội lỗi, bất xứng.
Cầu nguyện là hướng mình về Chúa như hướng về mặt trời để được Người sưởi ấm tâm hồn.
Cầu nguyện là xác tín rằng Thiên Chúa biết rõ hơn chúng ta những gì chúng ta cần.
Cầu nguyện là tìm cách hoà đồng ước muốn của mình với Thánh ý Chúa.
Cầu nguyện là tin rằng Chúa không ngừng chăm nom, săn sóc và phù trợ ta.
Cầu nguyện là tin rằng có Chúa Quan Phòng, đếm từng sợi tóc trên đầu ta.
Cầu nguyện là ngừng bước, là suy tư, là sắp xếp giờ giấc và việc làm theo ý Chúa.
Cầu nguyện là mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa, để Người thông truyền cho ta Tình yêu bao la của Người.
Cầu nguyện là để Thánh Thần Chúa đưa mình vươn lên tới Đức Chúa Cha trong Đức Chúa Con.
Cầu nguyện là yên lặng nhìn ngắm Chúa, không cần nói năng, là nói với Chúa bằng ánh mắt và bằng suy tư.
Cầu nguyện là tiếng rên siết lo âu, là lời khẩn cầu ơn cứu trợ, là việc chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa.
Cầu nguyện là chấp nhận quyền ưu tiên của Thiên Chúa, là nhận Người làm chủ đời sống mình.
Cầu nguyện là giữ thái độ phó thác của trẻ thơ, biết tin cậy vào sự chăm sóc của Thiên Chúa, là người Cha nhân hậu.
Cầu nguyện là thay đổi ý định của mình và tôn trọng ý định của Thiên Chúa.
Cầu nguyện là chấp nhận để một “người khác” (và đây là Thiên Chúa) “quấy rầy” mình. 
Cầu nguyện là một cử chỉ xác tín rằng
Thiên Chúa hiện hữu.
Thiên Chúa đang nhìn xem ta.
Thiên Chúa lắng tai nghe ta.
Thiên Chúa trả lời và cứu trợ ta.
Thiên Chúa thương ta như Cha thương con. 
Cầu nguyện là tất cả 
Là lắng nghe tiếng Chúa nói.
Là sẵn sàng làm theo lệnh Người truyền.
Là ngợi khen, chúc tụng, cầu khẩn.
Cầu nguyện là để Chúa cải hoá bản thân ta.
Cầu nguyện là nhận thức rằng mình yếu đuối.
Cầu nguyện là hành động của trẻ thơ,
biết mình vụng dại,
biết mình hèn mọn,
biết mình mỏng giòn,
nhưng cũng biết rằng Chúa là “Mẹ hiền”,
là “Người Cha vô cùng nhân hậu”. 
Cầu nguyện là thú nhận với Chúa
tuy con yếu đuối,
tuy con tội lỗi,
tuy con đầy khuyết điểm,
nhưng vẫn được Chúa thương yêu. 
Cầu nguyện đôi khi cũng là lời thú nhận với Chúa
Con không hiểu việc Chúa làm.
Không hiểu tại sao con phải đau khổ.
Nhưng con vẫn tin rằng Chúa làm thế, để xảy ra như thế là vì yêu thương con. 
Cầu nguyện là xin Chúa hãy đến trong ta để lãnh đạo việc ta phấn đấu với ba thù.
Cầu nguyện là vặn nút đài cho tâm hồn mình trùng với tần-số của Thiên Chúa.
Cầu nguyện là gửi đi một lá thư, một bức điện tín và tin rằng Chúa sẽ nhận được.
Cầu nguyện là chăm chú tiếp nhận thư từ điện tín từ trời cao Chúa gửi riêng cho ta.
Cầu nguyện là dùng ngôn ngữ của Thiên Chúa, chứ không phải ngôn ngữ của trần gian. 
Cầu nguyện là chìa khoá mở cửa ban mai, là then cửa cài khi đêm tối đến.
Cầu nguyện là thứ vũ khí vô song có sức mở rộng Trái Tim Thiên Chúa.
Cầu nguyện là mến Chúa khi ăn, khi ngủ, khi sống giữa trần gian.
Cầu nguyện là để Thánh Thần Chúa hành động trong ta, để Người uốn nắn tư tưởng và hành động của ta, hầu trở thành “đất sét trong tay người thợ gốm”. 
Cầu nguyện là để cho “nhựa sống thần linh” lưu chuyển trong ta và làm cho ta được sống.
Cầu nguyện là dành cho Chúa chút thì giờ để Người thực hiện trong ta, dù ta không ưa nhưng Người lại muốn.
Cầu nguyện là bắt nhịp cầu liên lạc với Đấng Vô Hình, mắt ta không nhìn thấy song tâm hồn ta lại cảm thấy đang hiện diện trong mình.
Cầu nguyện là một dòng sông tự vẽ cho mình hướng chảy, tự tạo cho mình bề rộng mênh mông và chảy ra biển cả là Thiên Chúa. 
CẦU NGUYỆN LÀ NHƯ VẬY ĐÓ! 
Michel Germain Guillot
NVH chuyển dịch
(emty.org Cập nhật: 25/09/2011 - 10:25:30)

THÁNH ANTÔN PAĐUA, (St. Anthony of Padua)


THÁNH ANTÔN PAĐUA, (St. Anthony of Padua)
Linh mục, tiến sĩ Hội Thánh, ngày 13/6
         
 “ Muôn dân tường thuật sự khôn ngoan của các thánh, và Giáo Hội loan truyền lời ca tụng các Ngài: tên tuổi các Ngài sẽ muôn đời tồn tại”( Hc 44, 14-15 ).Thánh Antôn Pađua qua đời mới có 36 tuổi, nhưng Ngài đã nổi tiếng về nhân đức ,phép lạ và những tư tưởng của Ngài.

MỘT LÝ TƯỞNG. MỘT CUỘC ĐỜI :
Thánh Antôn Pađua được sinh ra trong một gia đình quyền quí, đạo đức và thánh thiện tại Lisbone thủ đô nước Bồ Đào Nha vào năm 1195. Thánh nhân được hấp  thụ một nền giáo dục đạo đức và đầy bác ái, nên Ngài sớm nhận ra tiếng Chúa mời gọi. Thánh nhân xin gia nhập Dòng thánh Augustinô và được nhà Dòng, Bề Trên cho lãnh nhận sứ vụ linh mục. Tuy nhiên, thánh nhân thích sống chiêm niệm, sống khắc khổ, khiêm tốn, Ngài ước muốn được đi truyền giáo cho dân ngoại và mong muốn được chết tử vì  đạo, chính vì thế thánh nhân xin gia nhập Dòng anh em hèn mọn Phanxicô vào năm 1220. Thánh nhân cầu được ước thấy vì các Bề Trên chấp nhận lời cầu xin của Ngài, sai Ngài đi truyền giáo cho thổ dân Sarrasins bên Phi Châu. Nhưng ý Chúa thật nhiệm mầu, thánh nhân khi vừa tới Phi Châu đã ngã bệnh nặng và phải quay trở về chữa bệnh. Trên đường về lại quê hương, tầu của Ngài bị bão đánh dạt vào đảo Sicile thuộc nước Ý Đại Lợi, Ngài tới cư ngụ tại nhà Dòng ở Monte Paulo.

CÁI TÀI CHÚA BAN CHO THÁNH NHÂN:
Nhờ tài lợi khẩu, nhờ gương sáng đạo đức và thánh thiện, Ngài được các Bề Trên tin tưởng, tín nhiệm sai đi giảng khắp nơi và lo công việc đào tạo, giáo dục các tu sĩ trong Dòng. Chúa ban sức mạnh cho thánh nhân, Chúa Thánh Thần luôn tác động tâm hồn thánh nhân, nên lời giảng của Ngài luôn luôn có sức thu hút, lôi cuốn nhiều người. Chúa củng cố lời giảng của thánh Antôn Pađua bằng nhiều phép lạ kèm theo. Thánh nhân đã có ảnh hưởng rất lớn tại Ý, tại Pháp, thánh nhân làm việc không mệt mỏi, không ngơi nghỉ. Ngài được đặt tên là “ Hòm Bia Giao Ước” và “ Cái búa của bọn lạc giáo” đúng như lời  sách thánh:” Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho muôn người nên công chính, sẽ chiếu sáng như những vì sao, đến muôn thuở muôn đời”( Đn 12, 3 ).

CHÚA THƯỞNG CÔNG THÁNH ANTÔN PAĐUA:
Bông hoa tươi đẹp, Chúa ngắt về với Ngài để thánh nhân sống bên Chúa ngày 13 tháng 6 năm 1231. Thánh nhân ra đi trong an bình, trở về với Chúa khi Ngài mới tròn 36 tuổi. Thánh nhân rất nổi tiếng về các nhân đức và các phép lạ Ngài đã làm. Năm 1946, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong thánh Antôn Pađua làm tiến sĩ Hội Thánh.

 “Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho dân Chúa một nhà giảng thuyết lừng danh và cũng là người cứu giúp những ai nghèo khổ, đó là thánh linh mục Antôn. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, cho chúng con biết trung thành tuân giữ giáo huấn của Đức Kitô, để được nâng đỡ trong những lúc ngặt nghèo”
 ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Antôn Pađua ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT             

Cách “ăn điểm" bài văn nghị luận văn học


đối tượng của bài văn nghị luận xã hội là một vấn đề chính trị, tư tưởng, đạo lí, một hiện tượng xã hội


Người viết tiểu luận văn học, người học sinh khi làm bài cần hiểu đúng thế nào là bài nghị luận văn học.

Trong chương trình Tập làm văn mới hiện hành, không còn sự phân chia các kiểu bài nghị luận văn học như trước đây nữa (giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, bình giảng). Sự thay đổi này nhằm phản ánh đúng hơn bản chất của một bài văn, qui trình làm một bài văn nghị luận văn học.

Thực tế, hiếm có bài văn nào từ đầu đến cuối chỉ hoàn toàn tuân theo một yêu cầu, chỉ vận dụng một thao tác ấy. Đó là các phép lập luận, các thao tác, phương pháp thường được kết hợp vận dụng khi giải quyết một vấn đề nghị luận. Thật ra, trong một bài nghị luận văn học, người viết thường sử dụng nhiều thao tác, kĩ năng và nhiều khi khó tách bạch một cách rạch ròi giải thích, chứng minh, phân tích, bình giảng, bình luận. Nói vậy cũng có nghĩa nghị luận văn học là kiểu bài đòi hỏi tính tổng hợp của tri thức, của kĩ năng. Muốn làm được một bài nghị luận văn học hay, cùng với kiến thức, năng lực cảm thụ, người viết cần có kĩ năng kết hợp đồng thời, linh hoạt nhiều phép lập luận để làm sáng tỏ vấn đề, để trình bày một cách thuyết phục, hấp dẫn ý kiến, nhận định của mình.

Ngay chữ “phân tích” trong yêu cầu của một đề văn nghị luận cũng cần hiểu cho đúng, cho toàn diện. Nó không chỉ là một thao tác, một phép lập luận. Nó không chỉ phân chia vấn đề, đối tượng ra từng bộ phận, từng khía cạnh để miêu tả, tìm hiểu đặc điểm. “Phân tích” ở đây bao hàm cả sự nhận xét, đánh giá, lí giải… về vấn đề, đối tượng ấy bằng tư tưởng, tình cảm của mình.

Đồng thời với quá trình phân tích từng vẻ đẹp, trình bày từng luận điểm ấy, người viết cần thể hiện sự cảm thụ các chi tiết nghệ thuật sinh động trong tác phẩm, thể hiện thái độ, tình cảm của mình, cần nhận xét, đánh giá về cách miêu tả, xây dựng nhân vật của nhà văn, cần rút ra, khái quát về ý nghĩa của hình tượng nhân vật… Nói vậy nghĩa là bài nghị luận văn học đòi hỏi cảm thụ, ấn tượng riêng, đề cao tính chất cá nhân, cá thể của người viết. Tất nhiên, từ ý thức được về lí thuyết đến thực hành đúng, thực hiện cho có hiệu quả thật sự không hề đơn giản. Muốn làm được điều này cả thầy và trò phải phấn đấu dần dần ra khỏi quán tính, từ bỏ thói quen ăn sâu một thời, còn làm sao vượt khỏi áp chế đè nặng của bao thứ sách tham khảo, bài mẫu này nọ trên thị trường sách đa tạp hiện nay. Quả thực, với kiểu ra đề văn hạn hẹp, đơn điệu lâu nay, trước thực tế các tác phẩm, vấn đề đã được cày xới kĩ, người làm bài không dễ có và xen vào được ý kiến, cảm thụ riêng của mình.

Từ đặc điểm của kiểu bài nghị luận văn học nêu trên, chúng ta xác định cụ thể hơn những yêu cầu cơ bản mà một bài nghị luận văn học cần đạt tới.

1.    Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vào ý đồ sáng tác của nhà văn mà phân tích, làm sáng tỏ các tầng lớp nội dung, ý nghĩa trong ngôn từ, trong hình ảnh nơi văn bản

Mọi nhận xét, đánh giá về tác phẩm chỉ thực sự có ý nghĩa khi xuất phát từ  sự hiểu đúng, hiểu sâu nó. Bài nghị luận văn học tối kị lối phát biểu ý kiến một cách chung chung hoặc chỉ “diễn nôm “nội dung. Muốn bình đúng, bình hay trước tiên phải phân tích đúng, giảng sâu. Giảng có nghĩa là khám phá, giảng giải nội dung, ý nghĩa của tác phẩm, là giải thích, khẳng định nghĩa lí của văn bản. Nó có nhiệm vụ chỉ ra các tầng lớp nội dung và chứng minh một cách thuyết phục rằng nội dung ấy tất phải được thể hiện qua hình thức nghệ thuật ấy, rằng hình thức nghệ thuật ấy “hợp lẽ thuận tình”, có tính độc đáo hơn cả trong việc thể hiện nội dung.

2.    Cùng với việc giảng giải, phân tích, cần đánh giá, bàn luận về những “lời hay ý đẹp” nơi văn bản, về giá trị của tác phẩm, ý nghĩa của vấn đề.

3.    Bài văn nghị luận cần có hệ thống luận điểm rõ ràng, mạch lạc, những luận cứ đúng đắn, sinh động và lập luận thuyết phục

Tôi thường nói đùa với các em học sinh rằng bài văn nghị luận phải như một nắm xôi: từng hại dẻo, khô nhưng lại vắt được thành nắm. Nó khác với chảo cơm rang: từng hạt săn đét, rời rạc. Các ý trong bài văn cần rõ ràng nhưng lại được liên kết thành một hệ thống.

Một bài văn nghị luận hay thường có hệ thống luận điểm rõ ràng được kết dính một cách tự nhiên, liền mạch, ý nọ gọi ý kia. Đòi hỏi hệ thống luận điểm mạch lạc, màu sắc cá nhân của các nhận xét, đánh giá, mặt khác, bài văn nghị luận cũng yêu cầu tính cụ thể, thuyết phục của những luận cứ. Nếu cứ sa đà vào dẫn chứng, phân tích cụ thể mà không nâng lên được tầm khái quát, không đúc kết được thành các nhận định, bài văn sẽ nhạt tính tư tưởng, khó gây ấn tượng. Mặt khác, nếu cứ nêu nhận định, ca ngợi hay phê phán một cách chung chung mà không qua các căn cứ cụ thể, dẫn chứng sinh động thì bài văn cũng yếu sức thuyết phục, dễ trở nên sáo rỗng. Kết hợp linh hoạt, tự nhiên giữa phân tích, chứng minh cụ thể với nhận xét, đánh giá khái quát vừa là phương pháp tư duy, vừa là kĩ năng làm bài mà người viết văn nghị luận cần rèn luyện. Chẳng hạn, khi nghị luận về một tác phẩm truyện, những nhận xét, đánh giá phải xuất phát từ chủ đề, ý nghĩa của cốt truyện, từ tính cách, số phận của nhân vật, từ đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm.

Như vậy, một bài văn nghị luận hay vừa đòi hỏi sự thâm nhập, thẩm bình sâu tác phẩm vừa yêu cầu kĩ năng tổng hợp, khái quát thành nhận định, đánh giá riêng.

4.    Lời văn của một bài nghị luận cần chuẩn xác, trong sáng, thể hiện rung cảm chân thành, tự nhiên của người viết

Khi viết một bài văn, một tiểu luận, hơn nhau không chỉ ở chỗ viết cái gì mà quan trọng còn là viết như thế nào, bằng thái độ, tình cảm ra sao. Cần cân nhắc từ cách dùng từ đến cách ngắt câu. Ngôn từ phải làm sao diễn tả sát, trúng bản chất của đối tượng, điều mình muốn nói. Giọng văn làm sao phải hợp với vấn đề, với nội dung, nhiều khi như có hình có khối, giàu nhịp điệu. Viết văn cũng như giao tiếp trong đời sống, không nên hài hước khi cần trữ tình cảm thương và ngược lại. 

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Nghị luận xã hội về lòng dũng cảm !

      Mỗi ai trong chúng ta đều có những ước mơ, lí tưởng sống khác nhau. Dù khác nhau nhưng chúng đều có những nét đẹp khó có từ nào có thể diễn tả nổi. Ước mơ, lí tưởng sống là đẹp như thế nhưng con đường đi đến ước mơ, thực hiện lí tưởng có dễ dàng không. Thật sự là không và hành trang đầu tiên để bắt tay vào thực hiện ước mơ chính là lòng dũng cảm.
Vậy lòng dũng cảm là gì và tại sao nó lại quan trọng đến như vậy? Lòng dũng cảm là dám đối mặt với sự thật dù nó có khó khăn và rất gian nan, là không trốn tránh, là tinh thần luôn lạc quan để vượt qua bao sống gió của cuộc sống. Bao năm tháng ở đất nước Việt Nam có bao tấm gương về lòng dũng cảm nhưng lòng dũng cảm chúng ta đang và sẽ đề cập đến là lòng dũng cảm trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Cuộc sống vốn có những khó khăn, thử thách cả thất vọng, nỗi buồn. Vậy nên trong chúng ta rất cần có lòng dũng cảm để vượt qua, để luôn là chính mình và để không có bất cứ điều gì có thể che khuất ước mơ, lí tưởng, hoài bão của chúng ta. Người ta thường nói hạnh phúc là thực hiện được những ước mơ, mong muốn, khát vọng. Vậy hạnh phúc chỉ đến với những người có lòng dũng cảm. Dũng cảm làm theo tiếng gọi thực hiện ước mơ của trái tim, dũng cảm nhìn nhận những lỗi lầm để rút kinh nghiệm và còn phải dũng cảm để tiếp bước trên con đường đi đến ước mơ, hoài bão. Nói như vậy thì cuộc sống hạnh phúc mới phức tạp, gian nan và nhiều chông gai làm sao. Tôi cũng đã có lần nghĩ như vậy nhưng lại tự hỏi mình có thật sự mong muốn có một cuộc sống bình yên, không bao giờ gặp chông gai, sống gió trong cuộc sống. Và cuối cùng câu trả lời của tôi lại là không, thật lạ kỳ làm sao! Vì tôi biết nếu cuộc sống của tôi là một con đường dài, luôn được trãi đầy hoa hồng thì cuộc sống sẽ nhạt nhẽo và tôi có thể trở thành một người ngu dốt nhất thế giới. Lí do là vì tôi chẳng bao giờ bị va chạm để lớn khôn. Tôi không bao giờ cho rằng mình đã ở trên đỉnh của sự thành công, tôi luôn muốn tiếp tục dũng cảm tiếp bước mỗi ngày để có thể thực hiện hết ước mơ này đến hoài bão kia. Dù ít hay nhiều ,chắc chắn là ai cũng vấp ngã. Trong cuộc sống hang ngày chúng ta là những con người dũng cảm đấy thôi nhưng chúng ta chưa nhận thấy. Ví dụ như khi bé, chúng ta tập đi những bước đầu tiên và thường ngã lên ngã xuống, khi ngã rồi thì chúng ta đã không ngồi luôn một chỗ mà lại dũng cảm đứng lên đi tiếp. Vậy chúng ta mới có thể đi được chứ. Vậy lòng dũng cảm đã được ông trời ban sẵn trong lòng tất cả chúng ta. Tại sao chúng ta không làm nó bùng cháy dậy, làm cho ngọn lửa của lòng dũng cảm luôn cháy trong mỗi trái tim chúng ta để không có thử thách, chông gai nào có thể làm chúng ta gục ngã. Con đường đi đến ước mơ của mọi người không bao giờ giống nhau nhưng chúng đều có một điểm chung là không con đường nào bằng phẳng cả. Chính lòng dũng cảm sẽ giúp chúng ta dám đối mặt với những thăng trầm trên con đường theo đuổi ước mơ, chính lòng dũng cảm cho ta biết những sai phạm của chính bản thân, chính lòng dũng cảm giúp ta vươn lên, khẳng định mình, …Lòng dũng cảm rất cần trong mỗi con người. Tự đáy lòng mỗi người đều tồn tại một khát vọng. Trên đường thực hiện khát vọng ai ai cũng gặp chông gai và những người không có lòng dũng cảm sẽ không thể thực hiện được khát vọng tự đáy lòng mình, hoài bão bị chon vùi vì trước những khó khăn ấy, họ đã chọn một quyết định sai. Đó là không dũng cảm vượt lên, phó tác cho số phận, trốn tránh khó khăn, tự than thân trách phận để rồi gục ngã trong cơn dông tố của cuộc đời. Tóm lại, chúng ta phải dám nghĩ dám làm, không để ước mơ, khát vọng, hoài bão bị chôn vùi. Dũng cảm vượt lên bao chông gai để ước mơ trở thành hiện thực.
Nếu chưa biết mục đích và ước mơ thì dũng cảm, mạnh dạng vẽ ra con đường đi đến ước mơ. Nếu đã có mục đích, ước mơ thì dũng cảm thực hiện và dũng cảm đứng dậy, không thất bại trên con đường mà mình đã chọn.

THÁNH BÔ-NI-PHÁT, Giám mục tử đạo (680-755)


THÁNH -NI-PHÁT, Giám mục tử đạo (680-755)

tu-dao.jpgGương thánh nhân: Thánh Bô-ni-phát tên thật là Quin-rít, sinh ở nước Anh năm 673. Gia đình thánh nhân thường là nơi tạm trú cho các nhà truyền giáo, nên thánh nhân rất mến mộ việc giảng đạo. Lớn lên, ngài xin đi tu, nhưng người cha từ chối. Sau đó ngài ngã bệnh nặng nên cha ngài hoảng sợ, chấp nhận cho ngài vào tu viện. Khi ngài mạnh lại, ngài vào đan viện ở Ê-xê-tê học hành giỏi giắn, đạo đức, thánh thiện.
Năm 30 tuổi, thánh nhân chịu chức Linh mục và được chọn làm tu viện trưởng; nhưng ngài từ chối và tình nguyện đi giảng đạo bên nước Đức. Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô thứ hai đã trao cho ngài trách nhiệm truyền giáo cả nước Đức và đặt tên ngài là Bô-ni-phát nghĩa là người làm ơn. Và năm 722, ngài được thụ phong giám mục.
Công cuộc truyền giáo của thánh nhân rất kết quả. Dân chúng nghe ngài giảng đạo thì tin theo Chúa và gia nhập đạo. Đi tới đâu ngài cũng lập nhà nguyện, tu viện làm trung tâm truyền giáo, nhất là đào tạo thêm người phụ giúp, dầu vậy, cũng thiều người cộng tác, vì như lời Chúa nói: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.
Thánh nhân phải kêu gọi thêm trợ giúp ở quê hương ngài. Nhiều người đã đến phụ công góp của. Nhờ đó mà đạo Chúa ngày càng lan tràn trên nước Đức.
Năm 731, Đức Giáo Hoàng Bô-ni-fa-ci-ô thứ ba nâng thánh nhân lên Tổng Giám mục và giao cho trách nhiệm thành lập các giáo phận ở Đức. Ngài đã thiết lập địa phận Hết-sen, Thu-ren-gen…và chọn Ma-den làm Toà Tổng giám mục.
Mặc dầu làm việc kết quả và được thăng quyền tiến chức, thánh nhân vẫn sống khiêm tốn và luôn luôn tin tưởng trông cậy Chúa. Lúc nào ngài cũng nói: “ Tất cả là hồng ân Chúa ban:”Ta hãy tin tưởng vào Đấng đã đặt gánh nặng trên vai ta. Gánh nào ta không mang nỗi thì ta hãy nhờ Người mà mang, vì Người là Đấng toàn năng và Người đã phán: Ách Ta thì êm ái và gánh Ta lại nhẹ nhàng.
Ta hãy đứng nơi trận chiến trong ngày của Chúa, vì những ngày gian truân đau khổ đang ập đến trên ta. Nếu Chúa muốn thì chúng ta hãy chết cho các thánh luật của cha ông chúng ta, để được dự phần gia nghiệp cùng với các ngài.
Ta đừng như những con chó câm, những người canh nín thinh, những kẻ chăn thuê bỏ chạy khi sói đến, nhưng hãy là những mục tử thao thức canh phòng đoàn chiên của Đức Kito, giảng cho mọi người lớn nhỏ, già trẻ, biết được ý định của Thiên Chúa bao lâu Người còn cho phép ta làm được, dù gặp thời thuận lợi hay không, y như thánh Ghê-gô-ri-ô đã viết trong cuốc sách của Ngài về nhiệm vụ mục tử.”1
Nhưng như lời Chúa phán:” Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ”.Chúa là thầy, là Chủ mà còn bị bắt bớ giết hại thì môn đệ Chúa không thể tránh khỏi.
Một hôm thánh nhân đang cử hành thánh lễ, đoàn người mang khí giới xông tới, bổ lên đầu ngài một nhát búa… và ngài trút hơi thở cuối cùng ngáy 5 tháng 6 năm 754.
                                                                                             Nguồn:http://tinvuixuanloc.vn

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Thiên Chúa Ba Ngôi

Nhân danh Chúa Ba Ngôi, (Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm B) Tam giác cân có mọi thứ bằng nhau: ba cạnh bằng nhau, ba góc bằng nhau, ba đường trung tuyến bằng nhau. Thiên Chúa Ba Ngôi cũng vậy, không Ngôi nào hơn, không Ngôi nào kém. Một mà Ba, và Ba mà Một. Một Chúa mà Ba Ngôi, gọi là Tam Vị Nhất Thể, nói theo Việt ngữ bình dân là ba-trong-một. Điều này hoàn toàn vượt ngoài tầm hiểu biết của loài người. Những người không có niềm tin tôn giáo thì chắc hẳn không thể chấp nhận theo lý luận của con người. Chuyện kể rằng Thánh Augustinô là người giỏi giang, thông minh xuất chúng, suy nghĩ và lý luận về Chúa Ba Ngôi mà không thể hiểu thấu. Thánh Augustinô gặp một em bé ngồi múc nước biển đổ vào cái hang, thấy lạ nên ngài hỏi: “Cháu làm gì thế?”. Em bé trả lời: “Cháu tát nước biển”. Thánh Augustinô nói: “Làm sao cháu tát cạn được biển?”. Đứa bé vô tư nói: “Việc cháu làm đây còn dễ hơn việc ông đang suy nghĩ”. Thánh Augustinô giật mình và tỉnh ngộ! Thiên Chúa nói qua ông Môsê: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: Có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không? Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?” (Ðnl 4,32-34). Những câu hỏi đó cũng chính là những câu trả lời. Ông Môsê kết luận: “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Ngài, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em” (Ðnl 4,39-40). Những lời giản dị và rõ ràng, thật dễ hiểu. Thiên Chúa là Đấng trung tín, luôn giữ đúng lời hứa. Tác giả Thánh vịnh xác định: “Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin” (Tv 33,4). Thiên Chúa là Đấng chí minh và chí thiện nên “Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất” (Tv 33,5). Thiên Chúa là Đấng toàn năng: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú. Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Ngài ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,6.9). Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Tv 33,18-19). Vì thế, chúng ta luôn cần Ngài và phải tín thác vào Ngài bằng cách thân thưa: “Tâm hồn chúng con đợi trông Chúa, bởi Ngài luôn che chở phù trì” (Tv 33,20), và luôn cầu khẩn: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33,22). Khi Tông đồ Philipphê thắc mắc về Chúa Cha (Ngôi Nhất), Chúa Giêsu (Ngôi Hai) nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Tình yêu của Cha và Con nhiệm xuất Chúa Thánh Thần (Ngôi Ba). Thấy và biết Ngôi Hai là thấy và biết Ngôi Cha, cũng là thấy và biết Ngôi Ba vậy. Theo “cách chia” của chúng ta: Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu độ, và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá. Đó là cách nói để cho loài người dễ hiểu theo trí tuệ phàm tục mà thôi. Ba là Một thì không có chuyện tách rời như vậy. Chúa Thánh Thần là Gió (Khí), Lửa và Nước. Ngài luôn hoạt động tích cực trong mỗi chúng ta, trong từng biến cố cuộc đời. Thánh Phaolô nói: “Ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Thật nguy hiểm nếu thiếu Chúa Thánh Thần: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15). Phúc thay cho chúng ta vì chúng ta đã được Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần (Thần Khí, Thánh Linh), vì thế, “chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Những tội-nhân-chúng-ta lại được tha thứ và được phục hồi nguyên trạng quyền làm con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô giải thích: “Vậy đã là con thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Ngài, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Ngài” (Rm 8,17). Quá kỳ diệu! Chúng ta không thể nào hiểu thấu. Những tội-nhân-đáng-chết như chúng ta, tức là tử tội, mà lại được Lòng Thương Xót của Chúa cho thừa kế với Đức Kitô, được làm tiểu đệ của Đại Huynh Giêsu. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng được? Đúng là Đại Hồng Phúc đối với chúng ta. Tuy nhiên, con người luôn yếu đuối và hoài nghi, dù đã tận mắt chứng kiến. Thánh sử Mátthêu kể: “Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Ngài, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,16-17). Ngay cả những môn đệ thân cận, tận mắt chứng kiến Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, thế mà vẫn có “mấy ông hoài nghi”. Chúa Giêsu chắc buồn lắm. Nhưng Ngài hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu mình. Ngài đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-20a). Đó là sứ vụ không của riêng ai, phải hoàn hành động theo cương vị mình. Sứ vụ này cũng đã được Giáo Hội đề cập trong Giáo huấn Xã hội Công giáo (chương II). Sứ vụ thì phải… mệt. Đó là điều tất nhiên. Nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng nên tự cảnh giác cao độ, làm gì thì cũng phải thực sự nhân danh Chúa Ba Ngôi chứ đừng nhân danh bất kỳ thứ gì khác, nguy hiểm nhất là làm để “sáng danh chính mình”. Người Pháp có câu nói hay: “Đừng vì kính mến Chúa mà chà đạp người khác”. Thực hiện sứ vụ nào cũng mệt, thế nhưng Thiên Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ, vì chính Chúa Giêsu đã có lời hứa đặc biệt: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Lạy Chúa, không có Ngài thì chúng con chẳng làm được gì, chỉ là đồ vô tích sự. Vì thế, xin luôn soi sáng, hướng dẫn, đồng hành và tăng lực can đảm để chúng con sẵn sàng hành động nhân danh Ngài mà thôi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Thiên Chúa của chúng con. Amen

THÁNH THỂ


Thánh Thể và lòng mến: Đức Ái                                      
Người đàn ông trạc ngoài năm mươi. Mọi người trong nhà thờ ra về gần hết thì ông ta bước vào. Tôi ra trễ, dường như ông ta muốn gặp tôi.
- Thưa cha, mai cha có làm lễ không?
Tôi ân cần hỏi ông:
- Ông có việc gì thế?
- Nếu mai cha làm lễ, xin cho con một thông báo.
Ông mới nói tới đó. Chưa biết ông muốn thông báo điều gì. Nhưng như vậy là ông không gặp tôi như điều tôi đang nghĩ. Tôi đến giúp tĩnh tâm mùa Vọng ở cộng đoàn này. Thường thường có nhiều người muốn gặp cha giảng tĩnh tâm có chuyện thiêng liêng muốn bàn. Ông ta không ở trong trường hợp này. Ông gặp tôi chỉ vì muốn có một thông báo. Nhưng thông báo là chuyện ngoài quyền hạn của cha khách như tôi:
- Thưa ông, tôi là cha khách đến đây giúp tĩnh tâm. Nếu có thông báo, ông cần liên lạc với cha quản nhiệm.
- Con không biết điều đó, con chỉ có một thông báo, nếu cha làm lễ ngày mai, xin cha cho con một thông báo.
Tôi biết mình không thể tự thông báo điều này điều nọ, dùm kẻ này kẻ kia. Nhưng tôi cũng hỏi ông. Câu chuyện làm tôi nghĩ ngợi.
- Thưa cha con có nhà hàng bên kia đường. Con biết anh chị em Công Giáo đi lễ là điều tốt. Nhưng thưa cha, họ cứ đậu xe vào bãi xe của con, con mất khách…
Ông nói tới đó, tôi hiểu ngay rồi. Một tiếng thở phiền lòng.
- Con đã nói năm lần rồi. Chỗ gia đình làm ăn. Họ cứ đậu xe rồi đi xem lễ, con mất khách…
Sau khi cửa nhà thờ đóng. Tôi về phòng nhà xứ, một mình ngồi nghĩ đến câu chuyện của người đàn ông. Tôi đang về đây giảng tĩnh tâm. Ngày Chúa Nhật dân Chúa đi lễ bên này đường thì phía bên kia đường có người phàn nàn. Tôi đọc lại đoạn Tin Mừng tường thuật các thánh lễ ngày xưa:
Các tín hữu hợp nhất với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (Cv2,42).
Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại thánh lễ ban đầu của Giáo Hội sơ khai bằng một đoạn văn ngắn. Trong đoạn văn này có một đặc tính rất lạ. Đặc tính ấy không ngắn, dài như những bước chân vất vả của một người làm thuê:
- Họ được toàn dân thương mến.
Điều đó có nghĩa là cứ sau những nghi thức bẻ bánh như thế, người chung quanh xóm giềng thương nhóm tín hữu này. Và rồi “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” Nghĩa là sau các thánh lễ như thế, dân chúng thương nhóm tín hữu này rồi họ xin nhập đạo.
Kết qủa của bí tích Thánh Thể là mức độ tăng trưởng về tình yêu.
Nhà xứ vắng lặng. Tôi ngồi xem lại bài giảng cho ngày mai. Tôi cứ hình dung, đã bao ngày tháng rồi. Khi bên đây có thánh lễ thì phía bên kia đường có người đau khổ. Đậu xe vào nhà hàng của họ. Ngày Chúa Nhật họ làm ăn. Mất chỗ đậu xe của khách. Rồi tôi nghĩ, làm sao tôi có thể nhân danh những gì tôn giáo của tôi để lỗi đức công bình với người khác. Có thể vì đi trễ không muốn mất lễ, không muốn đậu xe ở xa. Có thể vì lười biếng. Làm sao người ta có thể “bảo vệ” những thực hành tôn giáo của mình bằng cách xúc phạm đến người khác? Ông ta nói với tôi rất lịch sự, không bực tức, nhưng biết đâu, cứ mỗi khi bên đây có thánh lễ, nhìn bãi đậu xe, ông không dằn lòng được, lại nguyền rủa.
Và được toàn dân thương mến”. Kết qủa của thánh lễ ban đầu là như thế. Các tín hữu lúc sơ khai đã sống như vậy. Tôi đọc lại lời tường thuật ấy rồi nghĩ đến người đàn ông Việt  Nam có cửa tiệm bên kia đường:
Có khi nào vì các nghi lễ mà tôi làm cho nhiều người phải xa Chúa không?
Đức tin cần một địa chỉ để về, đó là bác ái. Không có đức ái, đức tin không biết lối nào đi. Biết đâu có người nhân danh đức tin mà làm cho người khác khốn khổ. Họ chỉ nhìn đức tin, mà không có tấm lòng, nên đức tin thành hố sâu ngăn cách người với người. Kẻ khác không thấy niềm vui, và rồi chỉ gặp nơi đức tin của họ là một hố sâu.
Thánh lễ: Đây là mầu nhiệm đức tin.
Nhưng đức tin được thánh Phaolô cắt nghĩa: “Giả sử tôi có đức tin đến nỗi chuyển núi rời non mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.” (1 Cr 13,2)
* * *
Thánh Thể và lòng mến: Trưởng Thành
 Có người băn khoăn khi đón nhận mầu nhiệm Thánh Thể này:
- Tội như thế nào thì không được rước lễ?
Họ nhìn bí tích tình yêu với một chọn lựa nguyên tắc hơn là mức độ trưởng thành. Sợ lề luật hơn  là thúc đẩy bởi lòng mến. Khi nói tội như thế nào, nghĩa là họ vẽ lằn mức. Họ nhìn tội là những đơn vị đo lường. Nếu bảo tội nặng bằng này, không được rước lễ. Vậy tôi bớt đi một chút, có được rước lễ chăng? Bớt bằng nào thì vừa đủ để rước lễ?
Vị đạo sĩ đưa khúc mía cho người học trò. Khúc mía rất ngọt. Người học trò đưa lên miệng lấy răng cắn vào vỏ mía. Vừa cắn vào, đau buốt óc, anh không thể cắn nổi vì răng anh đau. Càng cố cắn, càng khốn nạn cho mình. Đây là cách hiểu lời Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô: “Ai nấy hãy tự xét mình rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa là tự chuốc lấy án phạt cho mình” (1 Cr 11,22). Khúc mía vẫn ngọt. Anh từ chối khúc mía? Hay khúc mía từ chối anh? Vị đạo sĩ hỏi người học trò:
- Khúc mía có ra hình phạt cho con không?
Anh im lặng hỏi lòng mình:
- Có ai đem đĩa cơm thịt nướng rất thơm bón cho xác chết trong nhà quàng không? Nhét đến đâu xác vẫn cứ nằm đó. Mắt nhắm và môi cứ lạnh. Càng nhét vào miệng, ta càng thấy rợn người. Anh hiểu xác chết không có khả năng để ăn chứ không phải đĩa cơm từ chối. Tội làm linh hồn tôi chết, nó không còn khả năng thích hợp đón nhận sự thánh thiện. Bản chất của bình an không đi với gian dối. Niềm vui không đi với lỗi phạm. “Anh em không thể vừa uống chén của Chúa và chén của ma quỷ được” (1 Cr 10,21).
Giáo lý trả lời, có tội trọng thì không được rước lễ.
Dễ hiểu. Vấn đề là:
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô: “Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con. Nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi loại bỏ tất cả những gì là trẻ con.” (1 Cr 13,11). Giả sử bạn nghe tiếng nhỏ to: “Bận rộn thế này mà ngày mai lại phải vác mặt đến nhà ông ấy.”  Họ không muốn nhưng vì lý do xã giao phải đến. Rồi ngày mai người đó phải đến nhà bạn. Rồi lại cũng xã giao cười cười, nói nói, nhưng lòng dạ chán lắm. Bạn có vui trong cuộc gặp gỡ không?
Đừng hỏi có ăn được khúc mía không. Mía bao giờ cũng ngọt, cũng thơm ngon. Tùy khả năng của mình.
Lạy Chúa,
Có tình yêu thì Thánh Thể mới là hoa trái. Và hoa trái của Thánh Thể là tình yêu.
Có những thánh lễ, có những bí tích tình yêu như thế mà sao tâm hồn người tham dự thì như có nỗi chán chường. Trong ngôn ngữ, chúng con diễn tả là “phải” đi lễ. Trong khi các tín hữu sơ khai thì diễn tả “được” tham dự. Đối với thánh lễ lúc ban đầu, sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật là họ tham dự với lòng “vui vẻ”. Hôm nay, nhiều khi chúng con tham dự với lòng nặng nề. Khi chúng con nói “phải” đi lễ chứ không nói “được” là tâm hồn chúng con không nặng nề đó sao. Nếu con không tha thiết với Thánh Thể thì con rước Thánh Thể để làm gì?
* * *
Thánh Thể và lòng mến: Cung Kính
Tôi cần nhìn lại lối sống tín nguỡng của mình nhiều lắm. Có những cách sống đã quá quen thuộc, tôi tưởng chừng như mình đang sống đức tin, nhưng có lẽ tôi chỉ quằn quại với niềm tin mà thôi, vì tâm hồn không an vui, không hạnh phúc, và những người chung quanh tôi cũng không hạnh phúc, không an vui.
Khi niềm tin trở thành quằn quại thì nghi thức tôn giáo là gánh nặng.
- Chúa nói: “Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mt 20,28). Như vậy, niềm tin là một giếng nước. Mà để kéo gầu ấy, tại sao ta không thể có niềm vui?
- Chúa nói: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Như vậy đến với Chúa là một giải thoát. Tại sao ta thiếu thiết tha khi cử hành phụng vụ?
- Thấy bệnh tật, Chúa chữa lành, thấy đói, Chúa cho ăn (Mt 14,14-21). Như vậy, niềm tin là cánh tay với vào vườn hoa trái. Tại sao ta thấy nặng nề?
Có người nói: “Tôi bận quá, không thể đi tĩnh tâm được”. “Tôi mỏi mệt lắm, không thể phục vụ Chúa được.” Trong khi đó, vì bận rộn nên mới cần tĩnh tâm, để Chúa dắt đi, nghỉ ngơi. Trong khi đó, vì ta mỏi mệt, và gánh đời quá nặng, Chúa mới đến để phục vụ. Có một suy nghĩ nào đó dường như không ổn. Nếu suy nghĩ không ổn thì rất có thể suy nghĩ ấy sẽ đưa đến một lối sống khắc khoải.
Thánh Inhaxiô, sau khi thụ phong linh mục, ngài không dâng lễ mở tay ngay. Ngài đợi một năm sau. Và rồi cứ mỗi lần dâng lễ ngài lại khóc. Còn Mẹ Têrêsa Calcutta thì treo trong phòng áo lễ của nhà dòng tấm bảng:
Là linh mục của Chúa,
Xin cha dâng lễ này như thánh lễ mở tay,
như thánh lễ sau cùng,
như thánh lễ chỉ dâng duy nhất một lần trong đời mà thôi.
Nói về bí tích Thánh Thể, về những nghi thức cử hành. Hôm nay người ta nghe thấy những lời “khen”, tiếng “chê”. Đi lễ cha kia làm lẹ lắm. Và dường như cũng có những linh mục, vô tư nhận mình làm lễ lẹ lắm, nhiều người thích. Họ nói với người tham dự: “Chúa ở cùng anh chị em”. Nhưng thật sự đấy chẳng phải là lời cầu chúc, vì tay đang mở sách, chưa thấy lời nguyện thánh lễ hôm nay ở trang nào. Tâm trí đang vội vã đi tìm. Có những thánh lễ mà giây phút cực trọng là truyền phép Thánh Thể, linh mục đọc quá vội vàng. Chưa xong đã bái gối, chưa bái gối xong đã hốt hả đứng dậy. Rất là liến thoắng. Tôi cũng thấy nhiều thừa tác viên thánh thể, sau khi cho chịu lễ, họ rước Máu Thánh còn lại trong chén thánh như uống một ngụm Coca. Họ “bốc”, họ “đổ” Mình Thánh như đổ một hũ đậu phộng. Họ thiếu cung kính vì thiếu tấm lòng. Họ đến từ một cộng đoàn mà chính cha xứ không đầy đủ bổn phận huấn luyện họ cung kính Thánh Thể Chúa. Làm sao huấn luyện nếu chính cha xứ thiếu tấm lòng. Đi giúp mục vụ nhiều nơi, tôi rất cảm kích khi có những linh mục đến nhà thờ rất sớm, không tiếp ai trước thánh lễ. Họ dành giây phút đó để chuẩn bị thánh lễ. Và cũng có những thừa tác viên Thánh Thể được huấn luyện rất cung kính khi thi hành nhiệm vụ thánh.
* * *
Lạy Chúa,
Con cần hiểu bí tích Thánh Thể là kết quả của tình yêu Chúa chết cho con người được sống. Làm sao con có thể cử hành cho chóng qua như một cuộc gặp gỡ mà con không muốn gặp. Làm sao con cảm nghiệm được khi con chỉ gặp để cho qua.
Con cần phải hiểu những gì con đang làm, con đang sống, tôn giáo con đang theo. Con phải hiểu thông báo của người đàn ông kia là thông báo của thiên thần báo mộng trước cửa đền thờ linh hồn mỗi khi con bước vào:
- Đức tin không có đức ái, sẽ không biết lối nào đi.
Con phải hiểu Thánh Thể Chúa là tình yêu vô cùng sâu thẳm.
- Xin cho con lòng yêu mến trưởng thành.
Con phải hiểu Thánh Thể Chúa là mầu nhiệm cực thánh.
- Xin cho con cử hành với tâm hồn hết sức kính cẩn, thiết tha.
  

LỜI CHÚC: THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA



             - Chúa ở cùng anh chị em.
Dừng lại một chút, ta thấy những nghi thức này trong thánh lễ quá kỳ diệu.
Chúa ở cùng anh chị em là gì? Tại sao linh mục cần nhận lại lời cầu chúc:
- Và ở cùng cha.
* * *
Nhiều lần, nhiều nơi, trong nhiều thánh lễ, khi nói lời cầu chúc này, theo cách thế bên ngoài, thì có linh mục không nói bằng tâm hồn. Nói qua cho xong. Vì linh mục vừa nói, nhưng không đối thoại với giáo dân, thiếu chuẩn bị nên đang bận mở sách. Hoặc vì muốn chóng xong, cắt ngắn thời gian. Không có thời gian đón nhận lời giáo dân cầu chúc: Chúa ở cùng cha. Giáo dân đáp lại cho có lệ. Những lời chúc như thế trong thánh lễ nhạt nhẽo làm sao. Khi họ không tha thiết trong lời cầu chúc, thì làm sao dám nói họ thiết tha trong mong ước Chúa thật sự đến với người họ cầu chúc. Nếu vậy, Chúa ở đâu trong mối tương quan họ với Chúa, với nhau? Thiếu tha thiết trong lời cầu chúc, thì khó mà xác định mình thiết tha Chúa đến với người mình chúc. Từ đó, làm sao định nghĩa đấy là một thánh lễ sốt sắng.
Khi họ không nhận định kỹ “Chúa ở cùng anh chị em” là gì, thì làm sao rõ “Chúa ở cùng chúng ta”, “Chúa ở cùng tôi” quan trọng đến đâu. Họ đánh mất ý nghĩa tên gọi EMMANUEL.
EMMANUEL là tên gọi của Thiên Chúa. Bởi đó, lời cầu chúc trong thánh lễ “Chúa ở cùng anh chị em” là lời rất quan trọng. Và, thánh lễ là gì nếu chúng ta để mất vẻ đẹp: Chúa ở cùng chúng ta?
* * *
EMMANUEL
- Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 2:24).
Khởi đầu Phúc Âm, Mátthêu giới thiệu tên của Thiên Chúa là Emmanuel, nghĩa là tên gọi đó được phiên dịch ra: Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Và rất đẹp, hôm nay chúng ta cụ thể hóa tên gọi đó trong lời chào của thánh lễ: “Chúa ở cùng anh chị em.” “Và ở cùng cha.”
Kết thúc Phúc Âm, Mátthêu để chính Ðức Kitô tự nói về mình bằng lời chấm dứt như sau:
- Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt. 28:20).
Mở đầu và kết thúc một cuốn sách là dẫn vào và đưa tới cho người đọc toàn thể cuốn sách đó nói gì. Tư tưởng trọn gói ở đây, tên gọi của Thiên Chúa là ở cùng con người.
* * *
TÌNH YÊU VÀ Ở CÙNG
Thiên Chúa không yêu thương con người bằng cách từ trên cao nhìn xuống.
Thiên Chúa không cứu chuộc con người bằng cách ở trên cao vớt con người lên.
Thiên Chúa xuống thế làm người. Thiên Chúa ở cùng.
Trong cuộc sống nhân loại, con người thường cứu nhau bằng sức mạnh của kẻ hơn. Kẻ có sức mạnh hơn, nhìn xuống kẻ yếu. Tôi giàu có hơn, tôi giúp đỡ anh. Tôi khỏe mạnh hơn, tôi vớt anh lên.
Màu nhiệm tình yêu Thiên Chúa lại không như thế. Mà là một tình yêu ở cùng. Kinh Thánh chỉ định, tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng.
Tại sao tình yêu lại hệ tại ở cùng mà không phải ở trên thương xuống?
Tại sao tình yêu lại không là nhìn xuống để vớt lên mà lại là cùng xuống để nhìn?
Người môn sinh ưu tư với những băn khoăn.
Nắng trong vườn đã ngả dạt qua bờ dậu. Ráng chiều hoàng hôn rũ xuống lòng người môn sinh trẻ đang tầm thầy học đạo. Anh đã viết về tình yêu, đã nghe về tình yêu. Nhưng tình yêu vẫn là một huyền nhiệm. Tình yêu là gì?
Người môn sinh nhớ câu chuyện xa xưa:
- Bạch thầy, chúng con không chấp nhận nó được, nó ăn cắp, nó láu cá, nó làm biếng. Xin thầy đuổi nó về.
Mấy chú đệ tử nhỏ báo cáo với thầy. Và vị thiền sư đã bảo:
- Nó không biết phải, không biết trái nên mới cần ở với thầy. . .
Phêrô cũng thế, đã có lần Ðức Kitô gọi Phêrô là Satan. Nhưng Ngài không đuổi Phêrô. Ngài bảo: “Lui lại đàng sau Thầy.” Lui lại phía sau, chứ không là đuổi đi xa. Vì Satan đang ở trong con, nên con cần ở cùng Thầy.
Ðời người là những chặng đường kiếm tìm. Huyền nhiệm cuộc sống mở ra như những cánh hoa. Một ngày không tìm kiếm là một ngày chết ủ. Cánh hoa phải mở ra, bật lên thành màu. Bấy giờ mới là cánh hoa. Cuộc sống cũng thế, những ấp ủ băn khoăn kia phải bật lên thành màu mới là cuộc sống. Và ta phải tìm kiếm. Tại sao tình yêu lại hệ tại ở cùng? Nhất là tên gọi kia của tình yêu Thiên Chúa. Tại sao lại là Thiên Chúa ở cùng chúng ta? Ðể giúp người học trò tìm kiếm. Nhà đạo sĩ hỏi người học trò:
- Ngày con đau, mẹ con không là thầy thuốc. Bà không có quyền lực cứu con khỏi bệnh. Sao bà cứ đứng bên giường nhìn con, ngay cả khi con ngủ?
- Bạch thầy, vì thương con.
- Bà có chữa con hết bệnh được không?
- Bạch thầy, không.
- Không chữa được, vậy đứng đó làm gì?
Người học trò ngập ngừng.
- Bạch thầy, vì thương con.
- Thương, nhưng không làm sao chữa bệnh cho con được. Vậy thương là gì?
Người học trò bắt đầu hiểu. Tình yêu không cứ là “doing- đang làm”, mà là “being- đang ở cùng”. Thật ra, ở cùng, không phải là không làm gì. Bởi “ở cùng - being” đúng nghĩa là sự hiện hữu trọn gói. Khi linh mục nói “Chúa ở cùng anh chị em”, mà chỉ nói vì công thức cho qua. Như thế, sẽ là có “doing” đó, nhưng vắng mặt của “being”. Khi bà mẹ nhìn con ngủ trong cơn đau. Cứ chốc chốc, bà đến bên giường nhìn con ngủ. Bà không có năng lực chữa bệnh cho con. Bà không “doing” được điều gì theo nghĩa sản xuất. Bà chỉ hiện diện trọn gói tâm hồn bà ở đó. Ðấy là chiều sâu của ngôn ngữ ở cùng, là “being.”
Trong cuộc sống, tôi cần một người nhìn tôi. Nói với tôi là cuộc sống, có họ ở cùng với tôi. Người vợ dọn cơm chiều, chỉ mong chồng về, đến bên cạnh, thầm nói rằng “anh ở cùng em.” Buổi chiều đó có thể trở thành hương hoa. Họ cần cái ở cùng này. Người ta kinh nghiệm trong cuộc sống thực như thế. Không ai chỉ hạnh phúc bởi tấm “pay check”, có “doing” mà không có “being”. Trong nỗi đau, con người thường kêu:
- Lạy Chúa, xin cất chén đắng này cho con.
Họ muốn Thiên Chúa “doing”. Chúa hãy lấy quyền năng mà hành động. Nếu Chúa không cất nỗi đau cho con mà chỉ “being”, nghĩa là chỉ đau với con thôi thì có ích gì. Người ta lý luận tình yêu thì phải cụ thể bằng hành động. Chúa thương tôi, Chúa phải hành động, xin hãy tặng tôi những món quà tôi xin. Tình yêu Thiên Chúa lại không như thế. Thay vì cứu con người khỏi chết thì lại chết với con người. Thay vì cứu con người khỏi đau thì lại đau với con người. Trong nỗi bực dọc, con người oán trách Thiên Chúa. “Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! (Lc. 23:39). Con người thách thức Thiên Chúa, cứu tôi đi, nếu thực sự thương tôi. Rồi tôi sẽ tin. Ðức Kitô không lấy quyền năng để cứu những tiếng kêu này. Ngài cũng không lấy quyền năng thoát khỏi cái chết này.
Tại sao tình yêu không là cứu người mình yêu khỏi chết, mà là chết cùng?
Trước khi tiếp tục đề tài. Vị đạo sĩ nhắc người học trò về một kinh nghiệm:
- Nỗi đau là không có ai đau cùng, chứ chưa hẳn là không có ai cất cho mình nỗi đau. Làm sao con có năng lực làm cho người chết sống lại? Con không cất được nỗi đau đó. Nhưng nếu con đau cùng, “being” bên cạnh người đang đau. Thì nỗi đau kia nhẹ vơi. Làm sao trong tình yêu mà người ta nói: Anh không cất được nỗi đau của em. Rồi người đàn bà đi sanh con một mình. Người đàn ông rất thực tế. Tôi không sanh con thay vợ tôi được. Tôi không “doing” gì được. Ông ở nhà đi câu.
Hạnh phúc và đau khổ không là cứu, là cho, mà là ở cùng.
Thiên Chúa ở cùng.
Người học trò im lặng suy nghĩ. Anh lắng nghe. Trong cái tĩnh mịch, anh mơ hồ nhìn thấy từ vùng im lặng đó, bật lên màu sắc của cuộc sống. Như những cánh mỏng thức giấc dần, bật màu thành bông hoa. Vị tôn sư như sợ người học trò ngần ngại với lời mình. Ông cắt nghĩa thêm:
- Thầy giả sử một vị tổng thống quyền uy, ông chỉ gật đầu, gia nhân của ông sẽ đem những người tỵ nạn vào nước ông. Ðó là cách nhìn xuống. Ðó là cách vớt lên. Nhưng giả sử, vị tổng thống ấy nghe tin còn mấy trăm người tỵ nạn mười mấy năm bơ vơ không quê hương. Nghe tin, ông tội nghiệp. Ông bỏ văn phòng. Ông đến với người tỵ nạn. Ông hỏi người tỵ nạn làm gì kiếm sống qua ngày. Dạ thưa ngài, tôi làm nghề rửa xe. Ðể hiểu, hiểu để thương, ông tổng thống quyền uy kia, mặt mũi lấm lem, quẹt mồ hôi, tóc bù xù dính dầu nhớt xăng, cũng chầu chực rửa xe, cũng ở bến xe, cũng gặm bánh mì. Con có thể hình dung một tổng thống nào dám làm thế không?
Người học trò im lặng hơn. Trong tâm trí anh. Anh không thể hình dung có chuyện đó. Anh hiểu ý vị tôn sư đang muốn nói, Thiên Chúa đã làm như vậy. Ðó là ý nghĩa EMMANUEL, Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Khi cho một món quà là cho một phần tài sản. Khi cho chính mình là cho hết. Không thể cho hết khi mình không cùng giống thân phận người đó. Bởi thế, vô cùng tuyệt vời khi Phúc Âm tường thuật về người lính canh như sau:
Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. (Mc 15: 37).
Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói:
Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15: 39).
Hai sự kiện đặc biệt trong cụm từ “Tắt Thở” mà ta phải kiếm tìm.
- Thứ nhất, lúc tạo dựng con người. Thiên Chúa thở hơi, cho Ađam sự sống. Bấy giờ Thiên Chúa chỉ cho một chút hơi thở. Nhưng ở đây, Ngài không cho một chút hơi, mà Tắt Thở. Nghĩa là cho hết không còn hơi để thở. Như thế, tên gọi EMMANUEL, càng ngày theo chiều lịch sử cứu độ càng trở nên rực rỡ. “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, lời tung hô ấy như ngọn pháo bông muôn màu bật tung lên trong thánh lễ.
- Sự kiện thứ hai là viên đội trưởng, lính canh nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa khi Ngài “Tắt Thở”. Tắt thở là giây phút yếu nhất của một đời người. Ðáng nhẽ ông ta phải nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa trong những việc quyền năng, những phép lạ lớn lao. Tại sao lại nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa trong giây phút yếu đuối nhất?
Vị tôn sư nói với người học trò:
- Con ạ, hình ảnh người lính canh ở đây cho chúng ta một chiều sâu thiền niệm mà không biết ngọn núi cao nào, không biết vùng thinh lặng nào mới chỉ bảo cho chúng hết ý nghĩa. Trong giây phút yếu nhất ấy của Chúa Kitô, ông ta nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta quá yếu đuối tâm linh nên không nhìn ra sức mạnh trong sự yếu đuối như người lính canh.
Trời đã vào khuya, hai thầy trò, vị tôn sư và người thanh niên tầm thầy học đạo như thả hồn mình về biến cố hai nghìn năm trước trước mầu nhiệm Tắt Thở của một người. Trong tâm trí anh, anh không thể nào hình dung vị tổng thống kia dám trở nên yếu đuối như một người tỵ nạn được. Anh bắt đầu hiểu hơn, vị tổng thống ấy chỉ có thể thương xót bằng từ trên nhìn xuống, bằng từ trên vớt lên. Ông ta không thể xuống để ở cùng.
Ở cùng là trở nên một thân phận. Ðấy là chiều sâu khó nhất của tình yêu. Khó nhất mà cũng đẹp nhất. Phải trở nên thân phận thì mới hiểu. Hiểu mới có thể thương. Trong ý nghĩa này, thương bao giờ cũng phải là ở cùng.
Người học trò, như vẫn ưu tư. Nếu tình yêu là ở cùng. Tại sao Ðức Kitô lại kêu lên trong giờ sau hết: “Lạy Cha, Cha bỏ con sao đành Cha?”
Vị tôn sư như đọc hết ý nghĩ thầm kín của học trò mình. Ông ôn tồn bảo:
Chiều sâu của tình yêu là ở cùng. Ðêm nay trời đã vào khuya. Con về ngủ đi. Tại sao Chúa Cha không lấy quyền năng như lời Ðức Kitô cầu xin, cất chén đắng này cho con?
Tại sao Chúa Kitô như quá cô đơn vậy?
“Lạy Cha, Cha bỏ con sao đành Cha?” Ðâu là ý nghĩa ở cùng?
Ðây là Tình Yêu và Quyền Năng. Chúng ta sẽ nói tới.
Trời khuya rồi. Ðêm thường nói với chúng ta nhiều ý nghĩa cuộc sống. Ðêm nói về thân phận mù lòa, vất vả đi tìm. Những giờ phút tăm tối cuộc sống, khổ làm sao. Nhưng nhờ đêm mà ta phải khắc khoải. Nhờ khắc khoải tìm kiếm mà hồn ta mới thức giấc. Và con ạ, không bao giờ đêm dài bất tận. Ngày mai có ánh bình minh.
Vị tôn sư đi về am thất. Người học trò vẫn ngồi lại. Anh đang nhìn vào cõi sáng của bóng đêm. Thứ cõi sáng và bóng đêm của riêng anh.
* * *
Từ lời cầu chúc “Chúa ở cùng anh chị em.” “Và ở cùng cha.” Thánh lễ phải là mầu nhiệm diễn tả tên gọi làm người của Thiên Chúa, EMMANUEL, Chúa ở cùng chúng ta. Mỗi thánh lễ, nếu ta trân trọng trong lời chào này, thì thánh lễ quá ngọt ngào. Thánh lễ là một diễn giải tuyệt vời mầu nhiệm Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta hạnh phúc nối tiếp bí tích kỳ diệu đó qua những lời chào mang cả một chiều kích thần học rất sâu:
- Chúa ở cùng anh chị em.
- Và ở cùng cha.

Lm. NGUYỄN TẦM THƯỜNG, sj
Đang tải dữ liệu, chờ chút nha bạn!!!...