WELCOME
      TO
    PHATDIEMHOUSE
NICE TO MEET YOU.
                              
Our group have 6 people. We live, work and study at Phat Diem Bishop's house
Welcome everybody - who was, is and will visit our blog.
Thank you so much.

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Thiên Chúa Ba Ngôi

Nhân danh Chúa Ba Ngôi, (Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi, Năm B) Tam giác cân có mọi thứ bằng nhau: ba cạnh bằng nhau, ba góc bằng nhau, ba đường trung tuyến bằng nhau. Thiên Chúa Ba Ngôi cũng vậy, không Ngôi nào hơn, không Ngôi nào kém. Một mà Ba, và Ba mà Một. Một Chúa mà Ba Ngôi, gọi là Tam Vị Nhất Thể, nói theo Việt ngữ bình dân là ba-trong-một. Điều này hoàn toàn vượt ngoài tầm hiểu biết của loài người. Những người không có niềm tin tôn giáo thì chắc hẳn không thể chấp nhận theo lý luận của con người. Chuyện kể rằng Thánh Augustinô là người giỏi giang, thông minh xuất chúng, suy nghĩ và lý luận về Chúa Ba Ngôi mà không thể hiểu thấu. Thánh Augustinô gặp một em bé ngồi múc nước biển đổ vào cái hang, thấy lạ nên ngài hỏi: “Cháu làm gì thế?”. Em bé trả lời: “Cháu tát nước biển”. Thánh Augustinô nói: “Làm sao cháu tát cạn được biển?”. Đứa bé vô tư nói: “Việc cháu làm đây còn dễ hơn việc ông đang suy nghĩ”. Thánh Augustinô giật mình và tỉnh ngộ! Thiên Chúa nói qua ông Môsê: “Anh em cứ hỏi những thời xa xưa, thời có trước anh em, từ ngày Thiên Chúa dựng nên con người trên mặt đất; cứ hỏi từ chân trời này đến chân trời kia: Có bao giờ đã xảy ra chuyện vĩ đại như thế, hay có ai đã nghe điều giống như vậy chăng? Có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe, mà vẫn còn sống không? Hoặc có thần nào đã ra công đi chọn lấy cho mình một dân tộc từ giữa một dân tộc khác, đã dùng bao thử thách, dấu lạ, điềm thiêng và chinh chiến, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, gây kinh hồn táng đởm, như Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em tại Ai-cập, trước mắt anh em không?” (Ðnl 4,32-34). Những câu hỏi đó cũng chính là những câu trả lời. Ông Môsê kết luận: “Vậy hôm nay, anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: Trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có thần nào khác nữa. Anh em phải giữ các thánh chỉ và mệnh lệnh của Ngài, mà hôm nay tôi truyền cho anh em; như vậy anh em và con cháu anh em sau này sẽ được hạnh phúc, và anh em sẽ được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vĩnh viễn ban cho anh em” (Ðnl 4,39-40). Những lời giản dị và rõ ràng, thật dễ hiểu. Thiên Chúa là Đấng trung tín, luôn giữ đúng lời hứa. Tác giả Thánh vịnh xác định: “Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin” (Tv 33,4). Thiên Chúa là Đấng chí minh và chí thiện nên “Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất” (Tv 33,5). Thiên Chúa là Đấng toàn năng: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú. Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Ngài ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,6.9). Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Tv 33,18-19). Vì thế, chúng ta luôn cần Ngài và phải tín thác vào Ngài bằng cách thân thưa: “Tâm hồn chúng con đợi trông Chúa, bởi Ngài luôn che chở phù trì” (Tv 33,20), và luôn cầu khẩn: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33,22). Khi Tông đồ Philipphê thắc mắc về Chúa Cha (Ngôi Nhất), Chúa Giêsu (Ngôi Hai) nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Tình yêu của Cha và Con nhiệm xuất Chúa Thánh Thần (Ngôi Ba). Thấy và biết Ngôi Hai là thấy và biết Ngôi Cha, cũng là thấy và biết Ngôi Ba vậy. Theo “cách chia” của chúng ta: Chúa Cha là Đấng sáng tạo, Chúa Con là Đấng cứu độ, và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá. Đó là cách nói để cho loài người dễ hiểu theo trí tuệ phàm tục mà thôi. Ba là Một thì không có chuyện tách rời như vậy. Chúa Thánh Thần là Gió (Khí), Lửa và Nước. Ngài luôn hoạt động tích cực trong mỗi chúng ta, trong từng biến cố cuộc đời. Thánh Phaolô nói: “Ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14). Thật nguy hiểm nếu thiếu Chúa Thánh Thần: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!” (Rm 8,15). Phúc thay cho chúng ta vì chúng ta đã được Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần (Thần Khí, Thánh Linh), vì thế, “chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Những tội-nhân-chúng-ta lại được tha thứ và được phục hồi nguyên trạng quyền làm con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô giải thích: “Vậy đã là con thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Ngài, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Ngài” (Rm 8,17). Quá kỳ diệu! Chúng ta không thể nào hiểu thấu. Những tội-nhân-đáng-chết như chúng ta, tức là tử tội, mà lại được Lòng Thương Xót của Chúa cho thừa kế với Đức Kitô, được làm tiểu đệ của Đại Huynh Giêsu. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng được? Đúng là Đại Hồng Phúc đối với chúng ta. Tuy nhiên, con người luôn yếu đuối và hoài nghi, dù đã tận mắt chứng kiến. Thánh sử Mátthêu kể: “Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Ngài, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (Mt 28,16-17). Ngay cả những môn đệ thân cận, tận mắt chứng kiến Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, thế mà vẫn có “mấy ông hoài nghi”. Chúa Giêsu chắc buồn lắm. Nhưng Ngài hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu mình. Ngài đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,18-20a). Đó là sứ vụ không của riêng ai, phải hoàn hành động theo cương vị mình. Sứ vụ này cũng đã được Giáo Hội đề cập trong Giáo huấn Xã hội Công giáo (chương II). Sứ vụ thì phải… mệt. Đó là điều tất nhiên. Nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng nên tự cảnh giác cao độ, làm gì thì cũng phải thực sự nhân danh Chúa Ba Ngôi chứ đừng nhân danh bất kỳ thứ gì khác, nguy hiểm nhất là làm để “sáng danh chính mình”. Người Pháp có câu nói hay: “Đừng vì kính mến Chúa mà chà đạp người khác”. Thực hiện sứ vụ nào cũng mệt, thế nhưng Thiên Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ, vì chính Chúa Giêsu đã có lời hứa đặc biệt: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Lạy Chúa, không có Ngài thì chúng con chẳng làm được gì, chỉ là đồ vô tích sự. Vì thế, xin luôn soi sáng, hướng dẫn, đồng hành và tăng lực can đảm để chúng con sẵn sàng hành động nhân danh Ngài mà thôi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Thiên Chúa của chúng con. Amen
Đang tải dữ liệu, chờ chút nha bạn!!!...