WELCOME
      TO
    PHATDIEMHOUSE
NICE TO MEET YOU.
                              
Our group have 6 people. We live, work and study at Phat Diem Bishop's house
Welcome everybody - who was, is and will visit our blog.
Thank you so much.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

tại sao?


Ba ngày sau thảm hoạ  động đất ở Nhật Bản, tôi nhận được lá thư điện tử của một người giáo dân Việt Nam sinh sống tại đó với mấy dòng chia sẻ sau đây làm tôi suy nghĩ: “…Đứa con gái của con học bên Mỹ gọi điện về khóc sướt mướt; nó nói nó không tin Chúa, nó không đi nhà thờ nữa; tại sao Chúa không cứu vớt mà lại để cho thảm hoạ này xảy ra như vậy? Con chẳng khuyên nó được. Thôi, thì giờ nó đang bị sốc nên cứ để cho nó suy nghĩ như thế, rồi từ từ nó sẽ nghĩ lại, Bố nhỉ?”
Cách cư xử của bà mẹ rất khôn ngoan. Lúc này phải là lúc tỏ lòng yêu thương, cảm thông hơn là dạy bảo nhất là la mắng con. Tôi cũng tin rằng phản ứng của cháu gái là tự nhiên nghĩa là bộc phát trong một nỗi xúc động quá mãnh liệt thôi, và rồi đây cháu sẽ tìm lại được sự bình an và niềm tín thác vào Thiên Chúa mà lâu nay cháu vẫn có. Chắc đứng trước vụ động đất và sóng thần khủng khiếp này nhiều người khác trong cuộc và thậm chí ngoài cuộc cũng đã nêu câu hỏi như cháu: Tại sao Chúa không ra tay cứu giúp, nghĩa là ngăn chặn không để cho tai hoạ xảy ra? Thắc mắc này có thể cho thấy một điều là: dù tin hay không tin, người ta vẫn nghĩ rằng một Đấng là Thiên Chúa thì phải là Đấng toàn năng và nhân từ đối với con người. Mà đã là toàn năng và từ bi thì Ngài không thể để cho một thiên tai như thế xảy ra khiến con người phải khốn khổ và phải chết một cách vô lý. Vậy là sao? Thắc mắc này là một thử thách thật sự, có thể làm lay chuyển đức tin của bao người Kitô hữu, không loại trừ có kẻ đã thất vọng và chối bỏ Chúa vĩnh viện. Còn đối với người vô thần thì đây là bằng chứng Thiên Chúa chỉ do con người tưởng tượng ra chứ làm sao mà có được, vì rõ ràng “ngài” chẳng làm chi được cho con người.
Tôi nghĩ vấn nạn mà cháu gái người Nhật gốc Việt nêu lên là “rất thật” và rất “người”, -ý tôi muốn nói là chắc hẳn nó gắn liền vào bản tính con người một cách nào đó. Con người từ bao giờ vẫn nêu những câu hỏi căn bản: Tại sao đau khổ? Tại sao chết? Cuộc đời có ý nghĩa gì không?... Và các tôn giáo là những cách trả lời khác nhau cho những thắc mắc đó. Những người có lòng tin thường có tâm lý chờ đợi nơi Đấng linh thiêng một sự che chở phù hộ riêng khi gặp gian nan thử thách, thậm chí nhiều khi họ còn cảm thấy mình có quyền chờ đợi sự can thiệp đặc biệt của Đấng mình tôn thờ…Tâm tình đó là tự nhiên. Và cả khi vì lòng tin tưởng và hy vọng của mình không được thần linh đáp ứng theo ý mình mà sinh ra phàn nàn trách móc, thì đó vẫn là chuyện bình thường, miễn là không đi xa hơn đến chỗ chối bỏ đức tin. Cũng không khác chi người Việt Nam tin Trời nên hễ gặp khó khăn nào, như nghèo đói, bệnh tật, thất bại trong nghề nghiệp, trong tình duyên, trong học hành, hay tai nạn rủi ro, là có phản ứng tự nhiên “kêu trời” hoặc “trách trời” : Trời ơi Trời ở không cân, Kẻ ăn không hết, người lần không ra. Hoặc: Lá vàng thì ở trên cây, Lá xanh rụng xuống, Trời hay chăng Trời? Hoặc: Bắc thang lên hỏi Ông Trời, Sao không bố thí cho tôi tí chồng? (Ca dao).
Có một điều tôi thấy hơi lạ, là khi mọi chuyện xuôi chảy thuận lợi hoặc khi gặp điều may mắn thì ít ai nghĩ tới Ông Trời hoặc Thiên Chúa nhưng hễ gặp thử thách (kể cả do chính mình gây ra) là ngay lập tức trách Trời, trách Chúa. Ngày xưa thánh Âu-tinh đã nhận xét: Thiên hạ thường dựa vào sự hiện diện của điều xấu, sự ác để kết luận là không có Thiên Chúa, nhưng ngài đặt câu hỏi ngược lại: Nếu không có Thiên Chúa thì bạn giải thích thế nào sự hiện diện của sự lành, điều thiện nhan nhản khắp nơi và ngay trong bản thân bạn?
Trên đây tôi  đã nhìn phản ứng của cháu gái Nhật-Việt như  một việc bình thường, nhưng thật ra tôi biết cháu nêu một vấn đề lớn và không dễ trả lời: tại sao Thiên Chúa không ngăn cản các thiên tai có thể gây tai hoạ cho con người?
Thiên tai là những tai họa do thiên nhiên gây ra. Nhưng thiên tai thật ra chỉ là những hiện tượng tự nhiên, những hoạt động bình thường của thiên nhiên theo quy luật mà thôi, chẳng qua vì không may mà có tác động xấu tới con người ở một mức rộng lớn nên ta mới gọi đó là thiên tai. Những hoạt động theo quy luật của thiên nhiên thì cứ liên miên xảy ra, hằng dây hằng phút trong vũ trụ bao la và trên trái đất ta ở, chúng to hay nhỏ, lợi hay hại, bình thường hay bất thường…, đó là đánh giá của con người, không phải chuyện của thiên nhiên trời đất; nếu muốn nói thiên nhiên mù quáng không đếm xỉa chi tới con người chúng ta cả - thì vẫn rất đúng. Nhưng biết sao được, không lẽ thiên nhiên cứ phải làm theo ý của ta sao?
Đại thi hào Ấn Độ Tagore có lần nhận định rằng con người ta rất mâu thuẫn khi đòi hỏi thiên nhiên phải hoạt động theo theo ý của họ (mà đòi hỏi thiên nhiên là gián tiếp đòi hỏi Thượng Đế), ông nêu ví dụ : một bà mẹ tập đi cho đứa con nhỏ của mình sẽ vô cùng hạnh phúc khi thấy con bước đi được những bước đầu tiên trong đời, và được vậy tất nhiên là nền nhà phải cứng vững (như bình thường là thế), nhưng khi con té ngã bà lại trách tại sao nền nhà không mềm như tấm nệm cho con mình khỏi đau? Nền nhà không thể khi cứng khi mềm liên hồi theo ý ta được. Đòi Thiên Chúa dùng quyền phép mình chế ngự thiên nhiên trong mọi trường hợp Ngài biết là sẽ gây tai hoạ cho con cái Ngài thì cũng gần như thế. Bạn thử nghĩ xem: giả sử Ngài liên tục can thiệp vào hoạt động của thiên nhiên theo ý con người thì hậu quả sẽ ra sao? Đơn giản là thiên nhiên sẽ không thể tồn tại và do đó con người cũng vậy.
Chúa đã dựng nên thiên nhiên vạn vật cùng với các quy luật chi phối chúng – chúng ta gọi là định luật tự nhiên. Ngài cai quản chúng qua các định luật ấy. Nhờ các định luật đó mà mọi vật mọi loài tồn tại và phát triển. Nhưng người công giáo biết rằng Chúa cũng đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, có trí khôn và tự do và “đặt làm chủ mọi thọ tạo trên trái đất, để cai quản và sử dụng chúng” (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 12. xem sách Sáng Thế, 1, 20-28). Như thế, Thiên Chúa cũng chia sẻ cho họ một phần quyền sáng tạo của Ngài. Quả thực, nhờ không ngừng hiểu biết được các định luật tự nhiên, con người vừa có thể sử dụng thiên nhiên cho lợi ích của mình, vừa hạn chế được các tác hại của thiên nhiên và góp phần hoàn thiện trái đất nơi họ sinh sống. Nhưng cũng hiển nhiên là chính con cũng người phá hoại công trình tạo thành của Chúa khi lạm dụng quyền làm chủ của mình vượt quá ý muốn của Chúa Tạo Hoá, nhất là từ vài thế kỷ nay, với tiến bộ phi thường của khoa học kỹ thuật, con người đã hành xử như một bạo chúa, tự cho mình quyền muốn làm gì với thiên nhiên cũng được, không ngừng can thiệp sâu vào thiên nhiên đến độ phá hủy sự thăng bằng của môi trường tự nhiên, và hậu quả là biết bao đe doạ và thảm hoạ con người phái hứng chịu. Ngày nay nhiều thiên tai thật ra là nhân tai, như những trận lũ lụt ngày càng nhiều và dữ dội hơn tại miền Trung nước ta chẳng hạn là một phần hậu quả của việc tàn phá rừng núi và ngăn cản dòng chảy của sông ngòi. Ngày hôm nay, nhiều công trình của con người quay lại chống con người.
Đau khổ và sự chết là vấn nạn muôn thuở của con người. Công đồng Vaticanô II dạy: “Nếu thiếu căn bản là Thiên Chúa và thiếu niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cữu thì phẩm giá con người sẽ bị tổn thương cách trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ vẫn không giải đáp được, như thế con người nhiều khi rơi vào tuyệt vọng.” (Hiến chế đã dẫn, số 21). Giáo Hội xác tín rằng “nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm. Chúa Kitô đã sống lại nhờ sự chết của mình. Người đã huỷ diệt sự chết và Người đã ban cho ta dồi dào sự sống…” (nt, số 22).
Tuy đã có lời giải đáp, nhưng người tin Chúa không vì thế mà hết lo âu, sợ hãi khi đối diện với đau khổ và sự chết. Và nếu trong những lúc ấy, họ có thốt lên vì quá bức xúc: Chúa đâu rồi? Chúa bỏ con sao?, thì cũng tự nhiên, không có gì sai lỗi, bởi vì chính Chúa Giêsu cũng đã cảm thấy “hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33) và “mồ hôi như những giọt máu rơi xuống đất” trước khi đi chịu nạn (Lc 22,44); rồi trên thập giá, trong đau khổ tột cùng Ngài còn kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Đó là phản ứng của con người tự nhiên, nhưng mau chóng lòng tin tưởng của người con trong Ngài đã vượt lên trên tất cả. Trước lúc tắt thở, Ngài đã thưa với Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).   
(24.3.2011)
 
Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM
Đang tải dữ liệu, chờ chút nha bạn!!!...