Người đàn
ông trạc ngoài năm mươi. Mọi người trong nhà thờ ra về gần hết thì ông ta bước
vào. Tôi ra trễ, dường như ông ta muốn gặp tôi.
- Thưa
cha, mai cha có làm lễ không?
Tôi ân cần hỏi ông:
- Ông
có việc gì thế?
-
Nếu mai cha làm lễ, xin cho con một thông báo.
Ông mới nói tới đó. Chưa biết ông muốn
thông báo điều gì. Nhưng như vậy là ông không gặp tôi như điều tôi đang nghĩ.
Tôi đến giúp tĩnh tâm mùa Vọng ở cộng đoàn này. Thường thường có nhiều người
muốn gặp cha giảng tĩnh tâm có chuyện thiêng liêng muốn bàn. Ông ta không ở
trong trường hợp này. Ông gặp tôi chỉ vì muốn có một thông báo. Nhưng thông báo
là chuyện ngoài quyền hạn của cha khách như tôi:
-
Thưa ông, tôi là cha khách đến đây giúp tĩnh tâm. Nếu có thông báo, ông cần
liên lạc với cha quản nhiệm.
-
Con không biết điều đó, con chỉ có một thông báo, nếu cha làm lễ ngày mai, xin
cha cho con một thông báo.
Tôi biết mình không thể tự thông báo
điều này điều nọ, dùm kẻ này kẻ kia. Nhưng tôi cũng hỏi ông. Câu chuyện làm tôi
nghĩ ngợi.
- Thưa
cha con có nhà hàng bên kia đường. Con biết anh chị em Công Giáo đi lễ là điều
tốt. Nhưng thưa cha, họ cứ đậu xe vào bãi xe của con, con mất khách…
Ông nói tới đó, tôi hiểu ngay rồi. Một
tiếng thở phiền lòng.
- Con
đã nói năm lần rồi. Chỗ gia đình làm ăn. Họ cứ đậu xe rồi đi xem lễ, con mất
khách…
Sau khi cửa nhà thờ đóng. Tôi về phòng
nhà xứ, một mình ngồi nghĩ đến câu chuyện của người đàn ông. Tôi đang về đây
giảng tĩnh tâm. Ngày Chúa Nhật dân Chúa đi lễ bên này đường thì phía bên kia
đường có người phàn nàn. Tôi đọc lại đoạn Tin Mừng tường thuật các thánh lễ
ngày xưa:
Các tín hữu hợp nhất với nhau, siêng
năng tham dự lễ bẻ bánh, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh
tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được
toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được
cứu độ (Cv2,42).
Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại thánh lễ
ban đầu của Giáo Hội sơ khai bằng một đoạn văn ngắn. Trong đoạn văn này có một
đặc tính rất lạ. Đặc tính ấy không ngắn, dài như những bước chân vất vả của một
người làm thuê:
- Họ
được toàn dân thương mến.
Điều đó có nghĩa là cứ sau những nghi
thức bẻ bánh như thế, người chung quanh xóm giềng thương nhóm tín hữu này. Và
rồi “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm
những người được cứu độ.” Nghĩa là sau các thánh lễ như thế, dân chúng
thương nhóm tín hữu này rồi họ xin nhập đạo.
Kết qủa của bí tích Thánh Thể là mức độ
tăng trưởng về tình yêu.
Nhà xứ vắng lặng. Tôi ngồi xem lại bài
giảng cho ngày mai. Tôi cứ hình dung, đã bao ngày tháng rồi. Khi bên đây có
thánh lễ thì phía bên kia đường có người đau khổ. Đậu xe vào nhà hàng của họ.
Ngày Chúa Nhật họ làm ăn. Mất chỗ đậu xe của khách. Rồi tôi nghĩ, làm sao tôi
có thể nhân danh những gì tôn giáo của tôi để lỗi đức công bình với người khác.
Có thể vì đi trễ không muốn mất lễ, không muốn đậu xe ở xa. Có thể vì lười
biếng. Làm sao người ta có thể “bảo vệ” những thực hành tôn giáo của mình bằng
cách xúc phạm đến người khác? Ông ta nói với tôi rất lịch sự, không bực
tức, nhưng biết đâu, cứ mỗi khi bên đây có thánh lễ, nhìn bãi đậu xe, ông không
dằn lòng được, lại nguyền rủa.
“Và
được toàn dân thương mến”. Kết qủa của thánh lễ ban đầu là như thế. Các tín
hữu lúc sơ khai đã sống như vậy. Tôi đọc lại lời tường thuật ấy rồi nghĩ đến
người đàn ông Việt Nam
có cửa tiệm bên kia đường:
Có khi nào vì các nghi lễ mà tôi làm
cho nhiều người phải xa Chúa không?
Đức tin cần một địa chỉ để về, đó là
bác ái. Không có đức ái, đức tin không biết lối nào đi. Biết đâu có người nhân
danh đức tin mà làm cho người khác khốn khổ. Họ chỉ nhìn đức tin, mà không có
tấm lòng, nên đức tin thành hố sâu ngăn cách người với người. Kẻ khác không thấy niềm vui, và rồi
chỉ gặp nơi đức tin của họ là một hố sâu.
Thánh lễ: Đây là mầu nhiệm đức tin.
Nhưng đức tin được thánh Phaolô cắt
nghĩa: “Giả sử tôi có đức tin đến nỗi chuyển núi rời non mà không có đức
mến, thì tôi cũng chẳng là gì.” (1 Cr 13,2)
* * *
Thánh Thể và lòng mến: Trưởng Thành
Có người băn khoăn khi đón nhận mầu
nhiệm Thánh Thể này:
- Tội như thế nào thì không được rước
lễ?
Họ nhìn bí tích tình yêu với một chọn
lựa nguyên tắc hơn là mức độ trưởng thành. Sợ lề luật hơn là thúc đẩy bởi
lòng mến. Khi nói tội như thế nào, nghĩa là họ vẽ lằn mức. Họ nhìn tội là những
đơn vị đo lường. Nếu bảo tội nặng bằng này, không được rước lễ. Vậy tôi bớt đi
một chút, có được rước lễ chăng? Bớt bằng nào thì vừa đủ để rước lễ?
Vị đạo sĩ đưa khúc mía cho người học
trò. Khúc mía rất ngọt. Người học trò đưa lên miệng lấy răng cắn vào vỏ mía.
Vừa cắn vào, đau buốt óc, anh không thể cắn nổi vì răng anh đau. Càng cố cắn,
càng khốn nạn cho mình. Đây là cách hiểu lời Thánh Phaolô gởi giáo đoàn
Côrintô: “Ai nấy hãy tự xét mình rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Ai ăn và
uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa là tự chuốc lấy án phạt cho mình” (1
Cr 11,22). Khúc mía vẫn ngọt. Anh từ chối khúc mía? Hay khúc mía từ chối anh?
Vị đạo sĩ hỏi người học trò:
- Khúc
mía có ra hình phạt cho con không?
Anh im lặng hỏi lòng mình:
- Có ai đem đĩa cơm thịt nướng rất thơm
bón cho xác chết trong nhà quàng không? Nhét đến đâu xác vẫn cứ nằm đó. Mắt
nhắm và môi cứ lạnh. Càng nhét vào miệng, ta càng thấy rợn người. Anh hiểu xác
chết không có khả năng để ăn chứ không phải đĩa cơm từ chối. Tội làm linh hồn
tôi chết, nó không còn khả năng thích hợp đón nhận sự thánh thiện. Bản chất của
bình an không đi với gian dối. Niềm vui không đi với lỗi phạm. “Anh em không
thể vừa uống chén của Chúa và chén của ma quỷ được” (1 Cr 10,21).
Giáo lý trả lời, có tội trọng thì không
được rước lễ.
Dễ hiểu. Vấn đề là:
Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côrintô:
“Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con. Nhưng
khi tôi đã thành người lớn, thì tôi loại bỏ tất cả những gì là trẻ con.” (1
Cr 13,11). Giả sử bạn nghe tiếng nhỏ to: “Bận rộn thế này mà ngày mai lại phải
vác mặt đến nhà ông ấy.” Họ không muốn nhưng vì lý do xã giao phải đến.
Rồi ngày mai người đó phải đến nhà bạn. Rồi lại cũng xã giao cười cười, nói
nói, nhưng lòng dạ chán lắm. Bạn có vui trong cuộc gặp gỡ không?
Đừng hỏi có ăn được khúc mía không. Mía
bao giờ cũng ngọt, cũng thơm ngon. Tùy khả năng của mình.
Lạy Chúa,
Có tình yêu thì Thánh Thể mới là hoa
trái. Và hoa trái của Thánh Thể là tình yêu.
Có những thánh lễ, có những bí tích
tình yêu như thế mà sao tâm hồn người tham dự thì như có nỗi chán chường. Trong
ngôn ngữ, chúng con diễn tả là “phải” đi lễ. Trong khi các tín hữu sơ khai thì
diễn tả “được” tham dự. Đối với thánh lễ lúc ban đầu, sách Tông Đồ Công Vụ
tường thuật là họ tham dự với lòng “vui vẻ”. Hôm nay, nhiều khi chúng con tham
dự với lòng nặng nề. Khi chúng con nói “phải” đi lễ chứ không nói “được” là tâm
hồn chúng con không nặng nề đó sao. Nếu con không tha thiết với Thánh Thể thì
con rước Thánh Thể để làm gì?
* * *
Thánh Thể và lòng mến: Cung Kính
Tôi cần nhìn lại lối sống tín nguỡng
của mình nhiều lắm. Có những cách sống đã quá quen thuộc, tôi tưởng chừng
như mình đang sống đức tin, nhưng có lẽ tôi chỉ quằn quại với niềm tin mà thôi,
vì tâm hồn không an vui, không hạnh phúc, và những người chung quanh tôi cũng
không hạnh phúc, không an vui.
Khi niềm tin trở thành quằn quại thì
nghi thức tôn giáo là gánh nặng.
- Chúa nói: “Ta đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (Mt 20,28). Như
vậy, niềm tin là một giếng nước. Mà để kéo gầu ấy, tại sao ta không thể có niềm
vui?
- Chúa nói: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi
sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29). Như vậy đến với Chúa là một giải
thoát. Tại sao ta thiếu thiết tha khi cử hành phụng vụ?
- Thấy bệnh tật, Chúa chữa lành, thấy
đói, Chúa cho ăn (Mt 14,14-21). Như vậy, niềm tin là cánh tay với vào vườn hoa
trái. Tại sao ta thấy nặng nề?
Có người nói: “Tôi bận quá, không thể đi tĩnh tâm được”. “Tôi mỏi mệt lắm, không thể
phục vụ Chúa được.” Trong khi đó, vì bận rộn nên mới cần tĩnh tâm, để Chúa
dắt đi, nghỉ ngơi. Trong khi đó, vì ta mỏi mệt, và gánh đời quá nặng, Chúa mới
đến để phục vụ. Có một suy nghĩ nào đó dường như không ổn. Nếu suy nghĩ không
ổn thì rất có thể suy nghĩ ấy sẽ đưa đến một lối sống khắc khoải.
Thánh Inhaxiô, sau khi thụ phong linh
mục, ngài không dâng lễ mở tay ngay. Ngài đợi một năm sau. Và rồi cứ mỗi lần
dâng lễ ngài lại khóc. Còn Mẹ Têrêsa Calcutta thì treo trong phòng áo lễ của
nhà dòng tấm bảng:
Là linh mục của Chúa,
Xin cha dâng lễ này như thánh lễ mở tay,
như thánh lễ sau cùng,
như thánh lễ chỉ dâng duy nhất một lần trong đời mà thôi.
Nói về bí tích Thánh Thể, về những nghi
thức cử hành. Hôm nay người ta nghe thấy những lời “khen”, tiếng “chê”. Đi lễ
cha kia làm lẹ lắm. Và dường như cũng có những linh mục, vô tư nhận mình làm lễ
lẹ lắm, nhiều người thích. Họ nói với người tham dự: “Chúa ở cùng anh chị em”.
Nhưng thật sự đấy chẳng phải là lời cầu chúc, vì tay đang mở sách, chưa thấy
lời nguyện thánh lễ hôm nay ở trang nào. Tâm trí đang vội vã đi tìm. Có những
thánh lễ mà giây phút cực trọng là truyền phép Thánh Thể, linh mục đọc quá vội
vàng. Chưa xong đã bái gối, chưa bái gối xong đã hốt hả đứng dậy. Rất là liến
thoắng. Tôi cũng thấy nhiều thừa tác viên thánh thể, sau khi cho chịu lễ, họ
rước Máu Thánh còn lại trong chén thánh như uống một ngụm Coca. Họ “bốc”, họ
“đổ” Mình Thánh như đổ một hũ đậu phộng. Họ thiếu cung kính vì thiếu tấm lòng.
Họ đến từ một cộng đoàn mà chính cha xứ không đầy đủ bổn phận huấn luyện họ
cung kính Thánh Thể Chúa. Làm sao huấn luyện nếu chính cha xứ thiếu tấm lòng.
Đi giúp mục vụ nhiều nơi, tôi rất cảm kích khi có những linh mục đến nhà thờ
rất sớm, không tiếp ai trước thánh lễ. Họ dành giây phút đó để chuẩn bị thánh
lễ. Và cũng có những thừa tác viên Thánh Thể được huấn luyện rất cung kính khi
thi hành nhiệm vụ thánh.
* * *
Lạy Chúa,
Con cần hiểu bí tích Thánh Thể là kết
quả của tình yêu Chúa chết cho con người được sống. Làm sao con có thể cử hành
cho chóng qua như một cuộc gặp gỡ mà con không muốn gặp. Làm sao con cảm nghiệm
được khi con chỉ gặp để cho qua.
Con cần phải hiểu những gì con đang
làm, con đang sống, tôn giáo con đang theo. Con phải hiểu thông báo của người
đàn ông kia là thông báo của thiên thần báo mộng trước cửa đền thờ linh hồn mỗi
khi con bước vào:
- Đức tin không có đức ái, sẽ không
biết lối nào đi.
Con phải hiểu Thánh Thể Chúa là tình
yêu vô cùng sâu thẳm.
- Xin cho con lòng yêu mến trưởng
thành.
Con phải hiểu Thánh Thể Chúa là mầu
nhiệm cực thánh.
- Xin cho con cử hành với tâm hồn hết
sức kính cẩn, thiết tha.