BẤT AN VÀ BÌNH AN
Dù
sống trong cảnh nghèo túng hay giàu sang, kém cỏi hay thông minh, nhanh nhẹn
hay chậm chạp; dù địa vị xã hội cao sang hay thấp hèn, thế giá hay thường dân
thì sống bình an luôn là khát vọng sâu xa nhất của con người. Có lẽ, không gì bất
hạnh cho bằng luôn sống trong tình trạng bất an. Phải chăng bình an là kết quả
của một không gian không tiếng động, không tiếng ồn? Phải chăng bình an là
không có chiến tranh, không có cọ xát, không có xê dịch?
Thực
tế cho thấy, người dân Việt Nam
vẫn đang phải trải qua nhiều nỗi bất ổn và bất định mặc dù chiến tranh đã chấm
dứt cách đây hơn 35 năm.
Thông
thường người ta nghĩ rằng người có quyền lực, danh vọng, địa vị, tiền bạc, của
cải sẽ là những cứ điểm an toàn cho cuộc sống. Vì suy nghĩ như vậy, nên có những người chấp nhận đánh đổi những giá trị
tinh thần, chấp nhận chà đạp chân lý, chấp nhận bóp chết tiếng nói của lương
tâm để có được những điểm tựa nói trên. Nhưng những điểm tựa kể trên có thực sự
đem lại bình an cho cuộc sống của con người hay không? Và ngoài những thứ mà con
người cho là điểm tựa như đã nói ở trên thì có một điểm tựa nào khác nữa để con
người bám vào không?
Bất
chợt, tôi nhớ tới khuôn mặt của Đức Giêsu: khuôn mặt an bình của một hài nhi ngủ
yên trong máng cỏ, khuôn mặt hồn nhiên của một em bé trong vòng tay mẹ trên đường
từ Ai cập về Nadaret, khuôn mặt hào hứng của một thiếu niên tại đền thờ
Giêrusalem, khuôn mặt trầm ngâm của một thanh niên tại dòng sông Giođan rồi tại
sa mạc trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, khuôn mặt vui tươi của một người
khách dự tiệc cưới ở Cana, khuôn mặt phấn khởi của một ráp-bi Do thái khi giảng
dạy và chiêu mộ môn đệ, khuôn mặt thương cảm của người thầy thuốc khi chữa lành
bệnh tật, khuôn mặt có vẻ không hài lòng nhưng vẫn điềm tĩnh của một ngôn sứ
khi tranh luận với nhà cầm quyền Do thái, khuôn mặt đau khổ nhưng vẫn thư thái
của một vị ân nhân khi bị phản bội, tố cáo và kết án, khuôn mặt hấp hối nhưng rất
thanh thoát của một người con và của người tôi trung khi trút linh hồn và trao
phó mọi sự trong tay Cha. Xuyên qua tất cả những khuôn mặt ấy, Đức Giêsu lúc
nào cũng là một người bình an. Quả thật, đúng với tước hiệu của Ngài là “Vua của
hòa bình” và đúng như thông điệp của Ngài là tin vui hòa bình cho thế giới.
Tại
sao Đức Giêsu luôn luôn bình an và bình an sâu xa tới mức có thể làm cho mọi
người tiếp xúc với Ngài cũng cảm thấy bình an? Chẳng phải cuộc đời của Ngài có
quá nhiều sóng gió hay sao? Chẳng phải hoàn cảnh xã hội, chính trị, tôn giáo của
Ngài lúc ấy cũng có lắm éo le hay sao? Chẳng phải gia đình và cộng đoàn của
Ngài cũng gặp nhiều khó khăn hay sao?
Theo
tôi, câu trả lời nằm ở chỗ Đức Giêsu đã thống nhất tất cả mọi sự dù đa tạp đến
đâu, dù dị biệt đến mức nào. Chính Đức Giêsu đã thống nhất để chỉ còn là một. Nếu
thế, điều duy nhất ấy là gì đối với Đức Giêsu? Chỉ một Chúa để tôn thờ, chỉ một
nhân loại để yêu mến, chỉ một việc để cứu vớt, chỉ một thái độ là để vâng phục,
chỉ một hi sinh là chính bản thân mình. Nói tóm lại, chỉ một điều cần thiết hay
chỉ một điều đáng kể là hoàn thành kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Khi nhìn ra
cái thống nhất trong đa dạng ấy, hẳn Đức Giêsu không còn thấy bị giằng co xâu
xé, không còn cảm thấy bất an bất ổn, mà luôn cảm thấy bình an thư thái.
Quả
nhiên, bây giờ tôi mới hiểu tại sao sống giữa một không gian hết sức tĩnh lặng
và một bầu khí hết sức thanh bình mà lòng mình lại không yên. Chẳng phải là tôi
không biết nói năng, cư xử và hành động cho bằng tôi chưa biết thống nhất tất cả
thành một điều duy nhất, một mối bận tâm duy nhất, một hành động duy nhất, đó
là mến Chúa và yêu người.
Đời
sống chủng sinh nhiều lúc chúng ta cảm thấy bất an, bất ổn. Thiết tưởng, bất an,
bất ổn có thể vì chúng ta chưa thống nhất được tất cả. Nếu như chúng ta chỉ lo
quân bình các mối tương giao; chỉ biết kiếm tìm chân lý nơi một mình Thiên
Chúa; chỉ biết đánh giá mọi vấn đề theo cái nhìn của Đức Giêsu; chỉ biết từng
ngày trở nên đồng hình động dạng với Đức Giêsu-mục tử nhân lành thì chắc chắn đời
sống của chúng ta luôn có được sự bình an thẳm sâu.
Tóm
lại, để có một tâm hồn an bình, dù trải qua nhiều nghịch cảnh, chúng ta cần phải
thống nhất tất cả mọi sự. Nhưng tâm hồn chúng ta chỉ đáng cho chúng ta quay về
tìm lấy bình an, khi đó là một tâm hồn chỉ có một bận tâm, một ước mơ, một tính
toán: tất cả chỉ đề “làm vinh danh Thiên Chúa” mà thôi.
P. Vũ Nam